Các hành vi bị cấm đối với cán bộ, công chức ngành tòa án
 -  208 Lượt xem
(PLO)-TAND Tối cao ban hành quy chế trong đó liệt kê ra nhiều hành vi bị cấm đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành tòa án.
TAND Tối cao vừa ban hành Quy chế văn hóa công sở. Việc ban hành quy chế này nhằm mục đích nâng cao đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động...; bảo đảm tính trang nghiêm và hiệu quả hoạt động của cơ quan TANDTC.
Quy chế này là một trong những tiêu chí để xem xét đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và bình xét khen thưởng.
Quy chế này gồm 7 Chương, 30 Điều, quy định thái độ, tác phong; chuẩn mực giao tiếp, ứng xử, đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cơ quan TANDTC trong thi hành công vụ và các mối quan hệ xã hội.
Quy định lề lối, chế độ làm việc, nội quy ra, vào trụ sở cơ quan; bài trí công sở, đón, tiếp khách; quản lý, sử dụng phương tiện giao thông trong trụ sở cơ quan.
TAND Tối cao ban hành quy chế văn hóa công sở, quy định cụ thể các hành vi bị cấm.
Tại Chương 2, Điều 9 có quy định về ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đối với người dân, cơ quan, tổ chức.
Cụ thể: Phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân; chịu trách nhiệm với lời nói, việc làm của mình trước nhân dân.
Hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, giải thích, hướng dẫn cho người dân chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật, kết luận, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền; hướng dẫn người dân đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết.
Đặc biệt, nghiêm cấm công chức, viên chức, người lao động thực hiện các hành vi:
Gây phiền hà, sách nhiễu hoặc cản trở người dân thực hiện các quyền nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
Có thái độ hách dịch, dọa nạt, gây căng thẳng, khó khăn, vòi vĩnh, trì hoãn, kéo dài thời gian xử lý công việc của tổ chức và người dân khi thực hiện nhiệm vụ.
Từ chối giải quyết các yêu cầu của tổ chức và cá nhân thuộc chức trách, nhiệm vụ được giao mà không có lý do chính đáng.
Thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của tổ chức và người dân, lợi dụng nhiệm vụ, vị trí công tác để nhũng nhiễu, trục lợi.
Làm mất, hư hỏng, sai lệch hồ sơ, tài liệu, kết quả giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo; truy ép hoặc gợi ý cho người khiếu nại, người tố cáo trình bày sự việc theo ý muốn chủ quan của mình;
Thiếu trách nhiệm trong việc tiếp nhận và giải quyết công việc với người dân; làm mất hoặc làm sai lệch thông tin, tài liệu do người dân cung cấp.
Cạnh đó, Điều 4 quy chế này cũng quy định một số hành vi bị cấm khác đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động như:
Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; gây khó khăn, phiền hà, nhũng nhiều, hách dịch, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc được giao; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Sử dụng tài sản, trang thiết bị, phương tiện công để làm việc riêng. Chơi điện tử hoặc sử dụng thiết bị giải trí cá nhân trong giờ làm việc.
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn của nhân, danh nghĩa của TANDTC để giải quyết công việc riêng nhằm trục lợi cá nhân làm ảnh hưởng đến uy tín của tòa án.
(PLO)- Tân Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí nói ông sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy thành quả, những mặt tích cực của các bậc tiền nhiệm và Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã gầy dựng.
Trần Linh - plo.vn