Cải cách tư pháp và vai trò của luật sư
 -  148 Lượt xem
LS TRƯƠNG XUÂN TÁM, Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát hỗ trợ LS của Liên đoàn LS Việt Nam
(PLO)- Tại tòa, nếu có bên buộc tội - VKS mà không có bên gỡ tội – luật sư thì quá trình tranh tụng gần như khó có thể thực hiện được.
Trong chiến lược cải cách tư pháp, luật sư được xác định là chủ thể quan trọng, là một bên trong thực hiện khâu tranh tụng của tố tụng tư pháp.
Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 9-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương về “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” tiếp tục yêu cầu: “Xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá…”.
Trước đó, Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 2-1-2002 của Bộ Chính trị về “Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới” và Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” cũng đã nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh tranh tụng trong hoạt động xét xử và xác định đây là vấn đề có tính đột phá trong cải cách tư pháp.
LS Trương Xuân Tám, Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát hỗ trợ LS của Liên đoàn LS Việt Nam. Ảnh: YC
Như chúng ta đã biết, trong vụ án hình sự, việc tranh tụng diễn ra giữa một bên là VKS (bên buộc tội) và bên kia là luật sư (LS, bên gỡ tội) và cả bị cáo. Do vậy, vai trò, vị trí của LS là vô cùng đặc biệt trong việc thực hiện chức năng tranh tụng, cùng với bên buộc tội, giúp HĐXX xem xét, đánh giá chứng cứ, đánh giá vụ án một cách khách quan, toàn diện, nhằm đưa ra phán quyết thấu lý, đạt tình.
Cải cách tư pháp đã có sự chuyển biến rõ khi tòa án đưa ra phán quyết dựa trên hồ sơ, kết quả thẩm vấn và kết hợp với tranh tụng tại tòa. Các bên có quyền đưa ra chứng cứ, lý lẽ để bảo vệ quan điểm của mình. Tòa án không hạn chế thời gian tranh tụng của các bên; cân nhắc kỹ lưỡng lý - tình và các quy định của pháp luật để đưa ra phán quyết.
Bên cạnh đó, hiện nay TAND Tối cao đã công bố bản án công khai (ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt) để tất cả đều có thể tiếp cận, gián tiếp giám sát cơ quan xét xử.
Hiện vai trò của LS trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự đều đã được nâng cao, cả về hình thức và nội dung. Về hình thức, việc nâng cao vai trò của LS thể hiện ở việc LS ngồi ngang hàng với VKS tại phiên tòa. Bên cạnh đó, VKSND Tối cao cũng đã có chỉ đạo là trong các vụ án hình sự thì kiểm sát viên phải tranh luận đến cùng tất cả vấn đề mà LS hoặc người tham gia tố tụng nêu ra; tòa không được giới hạn thời gian tranh luận.
Về nội dung, việc nâng cao vai trò của LS thể hiện ở việc tòa phải ghi nhận đầy đủ vào trong bản án ý kiến tranh luận của LS. Tránh tình trạng ý kiến của LS nêu nhiều vấn đề nhưng chỉ được ghi nhận vài dòng trong bản án như: “Không có cơ sở để chấp nhận ý kiến bào chữa của LS”.
Qua nhiều năm hành nghề, tôi thấy những năm gần đây, cải cách tư pháp trong lĩnh vực tố tụng đã có những bước tiến dài rất đáng ghi nhận. LS đã được tạo điều kiện hành nghề tốt nhất theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, hiện vẫn còn vài nơi, vài chỗ LS còn bị gây khó dễ, bị hạn chế khi hành nghề.
Với tư cách chủ nhiệm Ủy ban Giám sát hỗ trợ LS của Liên đoàn LS Việt Nam, tôi thấy rằng hiện nay vẫn còn tình trạng cơ quan tố tụng chậm cấp đăng ký bào chữa cho LS trong tố tụng hình sự. Hoặc có nơi dù đã cấp đăng ký bào chữa nhưng khi tiến hành hỏi cung, khám nghiệm hiện trường, cơ quan/người tiến hành tố tụng lại không thông báo cho LS tham gia hoặc hạn chế thời gian tiếp xúc của LS với khách hàng...
Việc tạo điều kiện cho LS được thực hiện các quyền hành nghề là thể hiện cam kết của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ công lý, công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người dân; từ đó góp phần cùng thực hiện mục đích đặt ra của cải cách tư pháp.
Hiện Luật LS đang được lấy ý kiến để sửa đổi. Chúng ta hy vọng những quy định mới tới đây sẽ khắc phục những bất cập để tạo môi trường pháp lý tốt hơn cho LS hành nghề, góp phần cùng các chủ thể khác bảo vệ công lý.
Theo plo.vn