Có luật sư, doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro
 -  451 Lượt xem
Luật sư Nguyễn Văn Trung - 0909 991815
(PLO)- Doanh nghiệp không nên để quá muộn (khi đã ra đến tòa án hoặc trọng tài) mới bắt đầu nghĩ đến việc tìm luật sư mà hãy luôn có luật sư bên cạnh ngay từ ban đầu!
Trong làm ăn, tranh chấp là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, để giảm thiểu tranh chấp hoặc khi có tranh chấp thì giảm thiểu rủi ro, thiệt hại, doanh nghiệp cần “làm bạn” với luật sư để được cung cấp dịch vụ pháp lý nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả.
Trong thực tiễn, không ít doanh nghiệp (DN) Việt Nam chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề pháp lý trong làm ăn, giao kết hợp đồng. Nhiều trường hợp do thiếu hiểu biết pháp luật mà DN phải chịu rủi ro, gánh chịu thiệt hại nặng nề.
Không ít DN còn khá lơ mơ về thời hạn khiếu nại, thời hiệu khởi kiện, biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng, biện pháp chế tài đối với hành vi vi phạm hợp đồng hay các trường hợp được miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng. Chính vì vậy, họ thường chịu nhiều thiệt thòi khi xảy ra tranh chấp.
DN ở ta khi ký hợp đồng thường rất chủ quan, luôn tin tưởng vào đối tác, cứ nghĩ rằng không sao đâu, không đến nỗi nào. Ngay cả việc lựa chọn phương thức và cơ quan giải quyết tranh chấp, họ cũng thường “chiều” theo ý của đối tác. Đến khi gặp chuyện, mọi thứ hoàn toàn không như ta nghĩ. Đọc kỹ lại hợp đồng, DN ở ta mới tá hỏa trước điều khoản thỏa thuận về giải quyết tranh chấp: Đối tác đã khéo léo lựa chọn phương thức và cơ quan giải quyết có lợi cho họ. Có DN than trời vì phải cắp tráp sang tận Singapore hầu kiện, mà không phải chỉ một lần…
Việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp và cơ quan tài phán (tòa án hay trọng tài, trong nước hay nước ngoài) là một việc rất quan trọng, đòi hỏi DN phải được tư vấn để cân nhắc về các mặt ưu, nhược, từ đó kiên trì đàm phán, thỏa thuận sao cho có lợi cho mình nhất.
Vì vậy, tôi cho rằng nếu thấy tự mình không thể hiểu biết rành rọt về pháp luật thì các DN nên thuê luật sư làm việc thường xuyên cho mình hoặc chí ít cũng có luật sư tư vấn khi soạn thảo, đàm phán, ký kết hợp đồng, nhất là với các hợp đồng có giá trị lớn. Khi việc thực hiện hợp đồng bắt đầu có dấu hiệu vi phạm và phát sinh tranh chấp, DN càng cần có luật sư bên cạnh để được cố vấn nhằm giải quyết tranh chấp có lợi nhất cho mình.
DN không nên để quá muộn (khi đã ra đến tòa án hoặc trọng tài) mới bắt đầu nghĩ đến việc tìm luật sư mà hãy luôn có luật sư bên cạnh ngay từ ban đầu!
NGUYỄN CÔNG PHÚ, nguyên Phó Chánh Tòa Kinh tế - TAND TP.HCM