Xác định thời hiệu khởi kiện trong pháp luật dân sự
 -  309 Lượt xem
ThS. TRỊNH DUY TÁM
VKSND tỉnh Vĩnh Phúc
Theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Dân sự (BLDS) và Điều 159 Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS), thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện. Quy định về thời hiệu khởi kiện buộc các đương sự phải ý thức được việc bảo vệ quyền lợi của mình và sớm có yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tránh tình trạng khởi kiện tuỳ hứng.
Ảnh minh họa: nguồn internet
Tuy nhiên, việc có nên hay không nên quy định thời hiệu khởi kiện trong pháp luật dân sự cũng đang là vấn đề được các nhà làm luật cũng như các nhà khoa học pháp lý bàn luận với nhiều quan điểm khác nhau. Những người có quan điểm ủng hộ việc quy định thời hiệu khởi kiện trong pháp luật dân sự cho rằng, mọi tranh chấp về dân sự phải được giải quyết càng nhanh càng tốt. Một tranh chấp cứ kéo dài mãi mà không được giải quyết, lúc nào cũng “treo lơ lửng trên đầu” không biết lúc nào dừng thì không ai có thể tập trung làm các việc khác. Mặt khác, để giải quyết được tranh chấp phải dựa trên các tài liệu, chứng cứ cụ thể, nếu tranh chấp càng để lâu mà không được giải quyết sẽ rất khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ.
Còn những người không ủng hộ cho rằng, quyền khởi kiện là quyền cơ bản của các chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự và Tòa án phải có trách nhiệm thụ lý đơn khởi kiện, không được lấy lý do thời hiệu khởi kiện đã hết để từ chối thụ lý đơn khởi kiện khi có yêu cầu. Trên thực tế, các quy định về thời hiệu khởi kiện trong pháp luật dân sự còn mang nặng mục đích tạo căn cứ pháp lý cho Tòa án từ chối giải quyết vụ việc dân sự khi có yêu cầu của chủ thể dân sự, biến thời hiệu yêu cầu thành thời hiệu thụ lý trong thực tiễn tố tụng ở Việt Nam.
Từ thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy, có nhiều trường hợp tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của một người bị người khác xâm phạm nhưng chủ sở hữu, chủ sử dụng không biết mà sau một thời gian họ mới biết và khởi kiện thì hết thời hiệu khởi kiện; hoặc các quan hệ về nhân thân như: yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; yêu cầu tuyên bố một người mất tích; yêu cầu tuyên bố một người đã chết... là các quan hệ pháp luật có tính đặc thù nên không thể quy định thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự như các quan hệ pháp luật khác.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS năm 2004 dường như đã “dung hòa” hai quan điểm này bằng cách mở rộng một số tranh chấp không áp dụng thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu như: tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai (điểm a khoản 3 Điều 159 BLTTDS); việc dân sự có liên quan đến quyền dân sự về nhân thân của cá nhân thì không áp dụng thời hiệu yêu cầu (khoản 4 Điều 159 BLTTDS).
Điều này cũng đồng nghĩa với việc các quy định về thời hiệu khởi kiện vẫn tồn tại với tư cách là một điều kiện để Tòa án thụ lý hay từ chối thụ lý giải quyết khi có tranh chấp hoặc khi có yêu cầu của đương sự. Do vậy, vấn đề đặt ra là cần nghiên cứu xem các quy định về thời hiệu khởi kiện đã phù hợp và đáp ứng được với yêu cầu của thực tiễn hay chưa? Nếu chưa phù hợp thì cần có giải pháp gì để tháo gỡ? Dưới đây chúng tôi xin nêu một số bất cập trong các quy định của pháp luật về thời hiệu khởi kiện và hướng khắc phục.
Thời hiệu khởi kiện như đã nói ở trên là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện. Do đó, nắm chắc các quy định về thời hiệu khởi kiện sẽ giúp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi bị người khác xâm phạm chủ động yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình; đối với các cơ quan tiến hành tố tụng và các tổ chức, cá nhân làm công tác tư vấn pháp luật, xác định đúng thời hiệu khởi kiện có ý nghĩa rất quan trọng trong hoạt động giải quyết tranh chấp cũng như trong hoạt động tư vấn pháp luật.
Do pháp luật có những quy định khác nhau về thời hiệu khởi kiện nên để xác định đúng thời hiệu khởi kiện, phải xác định được quan hệ tranh chấp đó có được văn bản pháp luật nào khác quy định về thời hiệu khởi kiện hay không. Mặt khác, phải xác định đúng ngày nào được coi là ngày có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm để bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện.
Theo Nghị quyết 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31/3/2005 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao (TANDTC) hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “Những quy định chung” của BLTTDS 2004, tại tiểu mục 2.2 Mục 2 phần IV thì thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm và được xác định như sau:
a1. Đối với nghĩa vụ dân sự mà các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định thời hạn thực hiện, nếu hết thời hạn đó mà bên có nghĩa vụ không thực hiện, thì ngày hết hạn thực hiện nghĩa vụ là ngày xảy ra vi phạm;
a2. Đối với nghĩa vụ dân sự mà các bên không thỏa thuận hoặc pháp luật không quy định thời hạn thực hiện, nhưng theo quy định của pháp luật các bên có thể thực hiện nghĩa vụ hoặc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bất cứ lúc nào nhưng phải thông báo cho nhau biết trước trong một thời gian hợp lý, nếu hết thời hạn đã được thông báo đó, bên có nghĩa vụ không thực hiện, thì ngày hết thời hạn đã được thông báo là ngày xảy ra vi phạm;
a3. Trường hợp khi hết hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự, các bên có thỏa thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ đó, thì việc xác định ngày vi phạm căn cứ vào ngày chấm dứt thỏa thuận của các bên và được thực hiện như hướng dẫn tại điểm a1 và điểm a2 nói trên;
a4. Trong quá trình thực hiện hợp đồng mà có vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng, thì ngày vi phạm nghĩa vụ là ngày xảy ra vi phạm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Nếu một bên đơn phương đình chỉ hợp đồng thì ngày đơn phương đình chỉ hợp đồng là ngày vi phạm.
a5. Đối với trường hợp đòi bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm tài sản, sức khoẻ, tính mạng…, thì ngày xảy ra hành vi xâm phạm tài sản, sức khoẻ, tính mạng… là ngày vi phạm;
a6. Trong một quan hệ pháp luật hoặc trong một giao dịch dân sự, nếu hành vi xâm phạm xảy ra ở nhiều thời điểm khác nhau, thì thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện được tính kể từ thời điểm xảy ra hành vi xâm phạm cuối cùng;
a7. Trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm a1, a2, a3, a4, a5 nói trên, nếu các bên có thỏa thuận khác về thời hiệu, thì thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện được tính theo thỏa thuận của các bên.
Mặc dù Nghị quyết 01 nêu trên hướng dẫn cách xác định thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện rất cụ thể, nhưng việc xác định trên thực tế cũng rất khó khăn. Để minh chứng cho điều này, chúng tôi xin lấy ví dụ cụ thể sau:
Từ tháng 3/2009 đến tháng 9/2009, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp A thu tiền điện bậc thang khi HTX chưa đủ điều kiện bán điện theo giá bậc thang (chưa có hóa đơn hợp lệ nhưng HTX đã tự in hóa đơn và thu 10% thuế VAT là trái quy định tại Điều 4, Điều 8 Thông tư số 05 ngày 26/2/2009 của Bộ Công thương và trái với quy định tại Điều 4 Quyết định số 21/2009/QĐ-TTg ngày 12/2/2009 của Thủ tướng Chính phủ). Cụ thể, Điều 4 Quyết định số 21 nêu trên của Thủ tướng Chính phủ quy định: đối với các tổ chức kinh doanh điện nông thôn chưa đủ điều kiện thực hiện bán lẻ điện theo biểu giá điện sinh hoạt bậc thang, cho phép tạm thời áp dụng giá trần điện nông thôn hiện hành là 700đ/KWh. Vì vậy, ngày 01/12/2011, ông B làm đơn khởi kiện yêu cầu HTX A bồi thường cho ông tổng số tiền là 3.202.200 đồng.
Tòa án nhân dân huyện V thụ lý sau đó đình chỉ giải quyết vụ án do hết thời hiệu khởi kiện. Tòa án cho rằng, HTX A đã thu tiền điện theo giá bậc thang đối với hộ gia đình ông B từ tháng 3/2009 đến tháng 9/2009, hành vi thu tiền điện của HTX đã xảy ra nhiều lần trong một thời gian dài. Hơn nữa, trong đơn tố cáo ngày 17/8/2010 và các đơn tố cáo tiếp theo ông B đều ghi: Vào khoảng tháng 5/2009 ông đã trực tiếp đề nghị với Ban quản lý điện của HTX không được dùng hóa đơn giả để thu tiền điện của nhân dân… nhưng HTX A vẫn dùng hóa đơn giả thu tiền điện đến tháng 9/2009 để thu lợi bất chính. Như vậy, từ tháng 5/2009, ông B đã biết sai phạm của HTX A và biết quyền lợi của mình bị xâm phạm. Tuy nhiên, ông B chỉ làm đơn tố cáo, đến ngày 01/12/2011 ông B mới khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết, thời điểm này thời kiện đã hết nên Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án.
Liên quan đến vụ án này cũng có quan điểm cho rằng, vào tháng 5/2009, ông B mới chỉ nghi ngờ việc thu tiền điện theo giá bậc thang của HTX là trái pháp luật, ông chưa xác định được quyền lợi của mình có thực sự bị xâm phạm hay không nên ông mới làm đơn tố cáo gửi các cơ quan Đảng và Nhà nước đề nghị xác minh làm rõ. Đến ngày 22/6/2010, khi Sở Công thương có văn bản trả lời, xác định việc thu tiền điện trên của HTX A là trái pháp luật thì ông mới có căn cứ để xác định quyền lợi của mình bị xâm phạm. Do đó, thời hiệu khởi kiện trong trường hợp này phải được xác định từ ngày 22/6/2010 (ngày có văn bản trả lời của cơ quan chuyên môn), chứ không phải từ tháng 5/2009 (thời điểm ông làm đơn tố cáo).
Chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ hai, vì để khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết, nguyên đơn phải xác định được quyền lợi của mình bị xâm phạm là cái gì, xâm phạm đến đâu. Vì vậy, mặc dù từ tháng 5/2009 ông đã làm đơn tố cáo việc HTX thu tiền điện bậc thang khi chưa đủ điều kiện là trái pháp luật, nhưng do chưa có kết luận chính thức của cơ quan chuyên môn việc đó đúng hay sai nên không thể coi đó là thời điểm ông biết quyền lợi của ông bị xâm phạm để khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết.
Hoặc trường hợp một người mua và sử dụng phải hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh. Thực tế là quyền lợi (tính mạng, sức khỏe) của họ đã bị xâm phạm ngay từ khi mua và sử dụng phải hàng giả đó (như ăn, ngủ kém, giảm cân, suy nhược cơ thể, thường xuyên phải đi bệnh viện khám và điều trị…) nhưng nếu không có kết luận của cơ quan chuyên môn thì họ không thể khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết.
Do vậy, thời điểm xác định quyền và lợi ích bị xâm phạm trong trường hợp này phải được tính từ thời điểm có kết luận của cơ quan chuyên môn, chứ không thể tính từ ngày mua và sử dụng phải hàng giả.
Trong lĩnh vực thừa kế, theo quy định của pháp luật (Điều 645 BLDS), thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Nếu trong thời hạn này mà đương sự không khởi kiện thì sẽ mất quyền khởi kiện, nếu có tranh chấp thì Tòa án cũng không xem xét.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vì nhiều lý do, không ít vụ tranh chấp di sản thừa kế chỉ phát sinh sau khi đã hết thời hiệu khởi kiện. Vì thế, ngày 10/8/2004, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết 02 (hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình). Theo đó, khi hết thời hiệu khởi kiện thừa kế mà các đồng thừa kế có yêu cầu tòa chia khối di sản thì tòa vẫn thụ lý, giải quyết nếu các đồng thừa kế có văn bản cam kết di sản là tài sản chung chưa chia, không có tranh chấp về hàng thừa kế và yêu cầu Tòa án phân chia. Nhưng theo hướng dẫn trên thì rất khó khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung bởi vì một bên đương sự (thông thường là người quản lý, chiếm hữu di sản) không chịu thừa nhận đó là tài sản chung và không yêu cầu tòa phân chia.
Thực tiễn giải quyết án dân sự những năm qua cho thấy, số vụ Tòa án các cấp từ chối thụ lý giải quyết do hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế rất nhiều, nhưng số vụ án tranh chấp yêu cầu chia tài sản chung mà Tòa án thụ lý hàng năm rất ít. Nguyên nhân là do không đáp ứng các quy định về điều kiện khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung theo Nghị quyết số 02 nêu trên.
Để giải quyết được vướng mắc này, theo chúng tôi, cần kéo dài thời hạn khởi kiện về thừa kế, thậm chí bỏ hẳn quy định về thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế.
Đối với các tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, cũng còn nhiều quan điểm khác nhau về thời hiệu khởi kiện, nhất là ngày xảy ra hành vi vi phạm gây thiệt hại cần được xác định như thế nào cho đúng và thống nhất. Theo hướng dẫn tại tiểu mục 2.2 mục IV, Nghị quyết 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31/3/2005 của Hội đồng thẩm phán TANDTC thì ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm được xác định là ngày xảy ra hành vi vi phạm gây thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức khoẻ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số vướng mắc về xác định thời hiệu khởi kiện khi Toà án thụ lý vụ án dân sự có quan hệ đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày xảy ra hành vi vi phạm hay tính từ thời điểm có quyết định của cơ quan có thẩm quyền đang giải quyết.
Trong vụ án hình sự liên quan đến quyền nhân thân và quyền tài sản, cơ quan tiến hành tố tụng đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự do không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Người bị thiệt hại khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (bồi thường về sức khoẻ, tài sản) thì thời hiệu khởi kiện tính như thế nào? Tính từ khi quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân bị xâm phạm hay từ khi có quyết định không khởi tố vụ án hình sự? hoặc từ khi có quyết định tách vụ án, hoặc từ thời điểm bản án hình sự có hiệu lực pháp luật?
Nếu từ ngày thiệt hại xảy ra, các cơ quan tiến hành tố tụng chưa xem xét và chưa giải quyết phần dân sự trong vụ án hình sự, thì yêu cầu khởi kiện của đương sự về bồi thường thiệt hại là yêu cầu chính đáng, Toà án phải thụ lý giải quyết nếu họ có yêu cầu. Thời hiệu khởi kiện phải tuân theo quy định của pháp luật dân sự, cụ thể tại Điều 607 BLDS và TANDTC đã hướng dẫn thời hiệu đối với vụ án bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là 02 năm tính từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Vậy thì thời gian cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án hình sự có được xem là trường hợp trở ngại khách quan theo khoản 1 Điều 161 BLDS không? Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền và nghĩa vụ dân sự của mình. Trường hợp cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án hình sự thì họ có quyền khởi kiện vụ án dân sự không? Do vậy, có quan điểm không trừ thời gian này vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự mà được tính từ thời điểm bản án hình sự có hiệu lực pháp luật hoặc từ thời điểm có quyết định không khởi tố vụ án hình sự hoặc từ khi có quyết định tách phần dân sự trong vụ án hình sự mà không tính từ thời điểm quyền và lợi ích bị xâm phạm nhằm bảo đảm quyền khởi kiện của người có quyền, lợi ích bị xâm phạm. Chúng tôi đồng tình với quan điểm này.
Về cách tính thời hạn, BLDS 2005 quy định khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo của ngày được xác định (khoản 2 Điều 152 BLDS 2005). Trở lại hướng dẫn của Nghị quyết 01, đối với vụ việc dân sự mà trong văn bản quy phạm pháp luật không quy định thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu thì thời hiệu khởi kiện là 02 năm kể từ ngày có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm theo quy định tại khoản 3 Điều 159 BLTTDS và lưu ý nếu tranh chấp phát sinh trước ngày 01/01/2005, thì thời hạn là 02 năm kể từ ngày 01/01/2005 (tiểu mục 2.1, mục 2, phần IV). Bên cạnh đó, Điều 156 BLDS 2005 quy định “thời hiệu được tính từ thời điểm bắt đầu ngày đầu tiên của thời hiệu và chấm dứt tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hiệu”.
Thực tế cho thấy, không ít trường hợp Tòa án còn lúng túng trong việc xác định thời hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 152 BLDS như nêu trên. Chẳng hạn, trường hợp Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự theo Điều 187 BLTTDS. Điều luật quy định hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Theo quy định tại Điều 152 BLDS nêu trên, thì ngày lập biên bản hòa giải thành chỉ được xác định là mốc thời gian để tính thời hạn ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự mà không được tính vào thời hạn 07 ngày quy định tại Điều 187 BLTTDS. Do đó, phải sang ngày thứ 9, Thẩm phán mới được ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
Tranh cãi về việc áp dụng cách tính thời hạn theo quy định của BLDS 2005 cũng được đặt ra đối với hướng dẫn nêu trên của Nghị quyết 01. Có quan điểm cho rằng, những tranh chấp phát sinh trước ngày 01/01/2005 thì thời hiệu khởi kiện là 02 năm tính từ ngày 01/01/2005, do đó thời hiệu khởi kiện hết vào ngày 31/12/2006 (cách tính này áp dụng theo Điều 156 BLDS 2005). Nhưng cũng có quan điểm khác cho rằng, ngày bắt đầu tính thời hiệu là ngày 02/01/2005 (cách tính này áp dụng theo Điều 152 BLDS 2005), do đó ngày hết thời hiệu khởi kiện là ngày 02/01/2007. Dù sự chênh lệch không nhiều, nhưng cũng có ý nghĩa rất lớn trong việc xác định một tranh chấp cụ thể còn hay đã hết thời hiệu khởi kiện. Vậy phương pháp tính thời hiệu khởi kiện nào là phương pháp đúng? Chúng tôi cho rằng, cần có sự thống nhất về phương pháp tính thời hiệu để tránh thiệt hại cho các đương sự.
Xác định đúng thời hiệu khởi kiện không chỉ có ý nghĩa đối với các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như các tổ chức làm công tác tư vấn pháp luật mà còn có ý nghĩa rất quan trọng để các đương sự tự chủ động yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Do vậy, vấn đề này cần được nhận thức một cách đầy đủ và thống nhất, để hoạt động giải quyết các tranh chấp dân sự được thuận lợi./.
(Nguồn tin: Bài viết đăng trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 15(247), tháng 8/2013)