Hành vi đốt tiền có bị xử lý hình sự?
 -  5633 Lượt xem
Hành vi hủy hoại tiền tệ được xem là tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự năm 1985, cụ thể tại Điều 98 quy định hành vi phá hủy tiền tệ có mức phạt tù 5-15 năm và nếu phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình
Có người hỏi. Vì mâu thuẩn với nhau, trong lúc tức giận ông A đã giật túi tiền hai mươi triệu đồng của ông B và đốt đi. Hỏi trường hợp của ông A có bị xử lý hình sự về hành vi hủy hoại tiền tệ ?
Hành vi hủy hoại tiền tệ được xem là tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự năm 1985, cụ thể tại Điều 98 quy định hành vi phá hủy tiền tệ có mức phạt tù 5-15 năm và nếu phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Tuy nhiên, qua các lần sửa đổi, bổ sung kể từ Bộ luật hình sự 1999 đến Luật số 12/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 đã không còn đề cập đến tội phá hủy tiền tệ nữa.
Hiện nay, hành vi hủy hoại tiền tệ chỉ xử lý hành chính. Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Quyết Định 130/2003/TTg của Thủ tướng Chính phủ thì hành vi hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào đều bị nghiêm cấm và có chế tài. Khoản 3 Điều 31 Nghị định 96/2014 quy định phạt tiền 10-15 triệu đồng đối với hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật.
Như vậy, theo Luật hình sự VN hiện tại hành vi ông A đốt tiền hai mươi triệu đồng của ông B không truy cứu về tội hủy hoại tiền tệ, vì luật hình sự hiện tại không quy định hành vi hủy hoại tiền tệ là tội phạm. Tuy nhiên hành vi ông A đốt tiền của ông B có thể xem xét tuy cứu về “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” tại Điều 178, Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018. Theo Điều 178, “tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” Chia thành 5 khung với mức hình phạt tù từ thấp đến cao 06 tháng tù đến 20 năm.
Luật sư Nguyễn Văn Trung